Nếu ngắm nhìn những bức tranh thêu tinh xảo này, chắc hẳn không ai nghĩ rằng những sản phẩm thủ công tinh tế này lại được làm bởi bàn tay của những người khuyết tật.
Chị Lê Thị Thủy, một người khuyết tật chân bẩm sinh, đã có kinh nghiệm hơn 20 năm thêu thùa, hiện đang làm việc cho một cơ sở kinh doanh các sản phẩm của người khuyết tật ở xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc được hỗ trợ học nghề rồi làm du lịch là may mắn lớn trong cuộc đời chị. Để làm nghề thành thạo không hề đơn giản, ngoài sự khéo léo, điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì được sống độc lập bằng chính sức lao động của mình. Công việc thêu tại xưởng cho tôi sự tự tin vì mình có thể sống có ích, đóng góp cho cuộc sống những sản phẩm thủ công có chất lượng" - chị Thủy tâm sự.
Chị Lê Thị Thủy đã có 23 năm gắn bó với công việc thêu thùa
Chị Thủy chỉ là một trong số khoảng 7,6 triệu người khuyết tật trên cả nước, chiếm 7,8% dân số đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, sự biến đổi môi trường, tai nạn lao động hoặc những khiếm khuyết bẩm sinh... Đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tìm kiếm một công việc phù hợp có thể nuôi sống bản thân.
Với đặc thù là tỉnh có tới hơn 60 làng nghề thủ công truyền thống, Bắc Ninh đã và đang tập trung hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm thủ công phục vụ du khách đến tham quan.
Một số doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh nhận thấy được tiềm năng của người khuyết tật tuy sức khỏe yếu, năng suất công việc không cao như người bình thường. Nhưng bù lại, họ có sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, kỹ lưỡng, có thể làm được những sản phẩm thủ công đòi hỏi sự tỉ mẩn, cầu kỳ như thêu, làm tranh sơn mài, tranh đá quý...
“Các nhân công tại xưởng thêu này có những đặc điểm khuyết tật khác nhau: người không nói được, người không nghe được, người không đi lại được, người bị dị tật ở chân… nhưng tất cả đều có một điểm chung là có đôi mắt tinh nhanh và đôi bàn tay khéo léo” - chị Đỗ Thị Mai hiện đang điều hành một cơ sở kinh doanh những sản phẩm lưu niệm của người khuyết tật ở Bắc Ninh cho biết.
Ưu điểm của người khuyết tật là sự tỉ mỉ, khéo léo và tập trung
Những nhân công nam cũng không kém phần tỉ mỉ
Đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề làm nên những sản phẩm thêu tinh tế
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện tỉnh Bắc Ninh có tới hơn 60 làng nghề thủ công truyền thống, nhưng mới chỉ đưa vào khai thác du lịch được 5,6 làng nghề. Đây vừa là khó khăn, vừa là động lực để các làng nghề bứt phá, tận dụng những lao động khuyết tật, hướng tới xây dựng được một chu trình tham quan khép kín dành cho khách du lịch muốn tìm hiểu về làng nghề, để họ có thể tham quan xưởng sản xuất, tìm hiểu quá trình làm nghề và mua những sản phẩm thủ công do chính người khuyết tật làm ra.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Bắc Ninh
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm nước ta đón hơn 70 triệu lượt khách nội địa và khoảng 10 triệu lượt du khách quốc tế. Trong đó, du khách quốc tế đặc biệt ưa chuộng những sản phẩm thủ công của những làng nghề truyền thống, chẳng hạn như Bắc Ninh, một nơi rất gần thủ đô Hà Nội.
Nếu có thể tận dụng những lao động khuyết tật vốn khéo léo và tỉ mẩn để xây dựng mô hình tham quan làng nghề khép kín dành cho du khách thì chắc chắn sẽ mở ra hướng đi mới cho sự phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, một lĩnh vực đầy tiềm năng mà dường như vẫn chưa được "đánh thức"
Anh Vũ - Lan Hương/ Vietnam Journey