Mít tinh trước cửa Nhà hát lớn Hải Phòng ngày 23/8/1945
Ông Đặng Nam (năm nay 97 tuổi), nguyên tự vệ làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) nhớ như in không khí Cách mạng sục sôi những ngày tiền khởi nghĩa. Từ tháng 3/1945, Việt Minh ở các quận huyện khu vực Kiến An - Hải Phòng với sự hỗ trợ của tự vệ, đã kéo đến phá kho thóc của địa chủ chia cho dân nghèo. Ngày 11/7/1945, tự vệ làng Kim Sơn bí mật tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu vũ khí và cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc đồn địch. Sáng sớm ngày hôm sau, đông đảo nhân dân các xã trong huyện Kiến Thụy cùng tự vệ huyện Tiên Lãng đã kéo về Kim Sơn, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn...
Ông Đặng Nam nhớ lại: "Sáng thành lập chính quyền Cách mạng, chiều quân địch tổ chức lực lượng cả xã ủy và Chánh phó tổng toàn huyện họp ở trường Cổ Trai, bị chúng tôi ra trấn áp. Chính ông Đặng Kinh, lúc bấy giờ là phụ trách quân sự, ra tước thẻ ngà của tên Trần Tự. Nó run như cầy sấy nói: "Thưa Cách mạng, từ nay chúng tôi không dám chống đối Cách mạng nữa" và tuyên bố giải tán cuộc họp. Chúng tôi cờ mở trống dong, hô khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", đả đảo Đế quốc Nhật..."
Sự ra đời của Ủy ban dân tộc giải phóng Kim Sơn đã khiến quân Nhật và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Ngày 4/8/1945, Nhật huy động 2 xe camnhông chở 40 lính và sĩ quan Nhật với đầy đủ vũ khí về đàn áp phong trào cách mạng ở Kim Sơn. Không run sợ trước sức mạnh của kẻ địch, các đội tự vệ ở Tú Đôi, Đoàn Xá, Lão Phong (huyện Kiến Thuy), tự vệ huyện Tiên Lãng đã phối hợp cùng nhau đánh địch.
Ông Ngô Đăng Lợi, người dân xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy chia sẻ: "Khi địch vào, có một phụ nữ tên là Rèn rất can đảm ra thúc trống báo động. Theo lệ làng, khi có báo động là dân làng, già trẻ, trai gái đều ra hết. Có cụ già là cụ Mải rất hăng hái, vác giáo ra đứng chặn. Khi bọn lính rút sang Cổ Trai thì lực lượng của ta ở Cổ Trai phục kích, đánh. Địch phải rút."
Ông Ngô Đăng Lợi chia sẻ, các đội tự vệ của Kim Sơn và các xã trong huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng đã chiến đấu rất dũng cảm, đập tan cuộc đàn áp phong trào Cách mạng ở Kim Sơn
Ngày 23/8/1945 là ngày không thể quên đối với ông Đặng Nam, Ngô Đăng Lợi và người dân Hải Phòng. Trước cửa Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng treo một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn. Nhân dân nội thành Hải Phòng, nhân dân các huyện của Kiến An kéo đến Nhà hát lớn thành phố từ rất sớm. Bộ đội chiến khu Trần Hưng Đạo và tự vệ các địa phương, hàng ngũ chỉnh tề xếp hàng trước cửa nhà hát. Bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng. Đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát-xít Nhật, thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời Hải Phòng.
Ủy ban Cách mạng lâm thời Hải Phòng ra mắt nhân dân. Ảnh: Bảo tàng Hải Phòng
Với hào khí của "Tiếng trống Kim Sơn", lần lượt các quận, huyện của Kiến An - Hải Phòng như: Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương... đều khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa Thu 1945.
Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng cho biết: "Hải Phòng là trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự lớn của thực dân Pháp, chỉ sau Hà Nội. Do vậy, khi khởi nghĩa thành công ở Hải Phòng và Hà Nội, 2 trung tâm lớn nhất có tác động đến toàn cục khu vực miền Bắc trong khởi nghĩa giành chính quyền; ở miền Bắc chỉ cần giành chính quyền ở 2 nơi này thì toàn bộ khu vực đồng bằng duyên hải Bắc bộ sẽ thành công trong cuộc tổng khởi nghĩa."
Đình Kim Sơn, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân làng Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) ngày 12/7/1945, hiện đang được trung tu, tôn tạo
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Kiến An - Hải Phòng đã cùng nhân dân cả nước đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân - phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, xây dựng chính quyền Cách mạng của dân, do dân và vì dân./.
Thanh Nga/VOV Đông Bắc