Theo sử sách và các cụ cao niên trong làng, vào những năm giữa thế kỷ 16, làng Tá Lan còn nhiều bãi bồi, cồn cát, lau sậy hoang vu, thường xuyên bị cướp biển đến cướp bóc, quấy nhiễu. Triều đình nhà Mạc cử Nguyên soái Phạm Tử Nghi mang quân đến trấn ải vùng cửa biển phía đông bắc của trang An Biên xưa (nay là Cảng Hải Phòng).
Nguyên soái Phạm Tử Nghi đóng đồn binh ngay trên bến đò thuộc xóm Bãi Cát làng Tá Lan để tiện tiêu trừ cướp và bảo vệ dân làng an tâm sản xuất. Thời gian nguyên soái và binh sĩ đóng quân tại đây được dân làng yêu thương, đùm bọc, tình cảm dân – binh sâu sắc. Vì thế, sau khi tướng Phạm Tử Nghi mất, dân trong làng lập miếu thờ gọi là miếu Bến Đò để tưởng nhớ công ơn (khoảng thế kỷ 17).
Miếu Bến Đò xưa kia chỉ là ngôi miếu nhỏ tranh tre, nứa lá được dựng ngay trên khu đồn binh xưa. Miếu được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Qua các cuộc hội thảo của chính quyền, các cụ cao niên trong xã và ý kiến của Hội đồng Khoa học lịch sử Hải Phòng, Sở Văn hóa- Thể thao…, miếu được Ban Quản lý các di tích của xã đổi tên thành đền Tá Lan để lưu giữ nguyên gốc làng Việt cổ.
Đền Tá Lan ngày nay khuôn viên rộng 3 ha gồm nhiều hạng mục kiến trúc, đặc biệt đền chính được xây dựng theo lối kiến trúc cổ bằng kết cấu gỗ theo hình chữ Đinh. Phía trước là nhà Đại Bái làm theo kiểu thuận trồng đấu sen, giá chiêng gồm 3 gian, 2 dĩ, phía sau là 3 gian hậu cung.
Hệ thống cửa nhà Đại Bái gian giữa làm theo kiểu thượng song hạ bản, hai gian bên làm theo kiểu cửa Bức Bàn. Phía sau đền làm giả sơn theo thế tựa sơn, di tích quay hướng Nam về phía sông Cấm làm thế tụ thủy. Đền Tá Lan còn lưu giữ được sắc phong từ thời Khải Định thứ 9 và những di vật lịch sử gắn liền với tên tuổi thần tích của Nam Hải Đại vương Phạm Tử Nghi như: mũ quan bằng đồng lá, 2 khẩu súng thần công… Năm 2009, đền được thành phố Hải Phòng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa.
Theo Báo Hải Phòng