Đảo Dấu cách bán đảo Đồ Sơn hơn 1 km, diện tích 12 ha. Đây là một trong những hòn đảo có mật độ công trình di tích, di sản, danh thắng lớn nhất miền Bắc, với những giá trị cảnh quan môi trường đặc thù.
Người Đồ Sơn coi đảo Dấu là hòn đảo thiêng nên không ai nghĩ đến chuyện ra đảo khai thác. Vì vậy, đảo vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ. Năm 2009, Đảo Dấu được Nhà nước công nhận là Danh thắng cấp quốc gia.
Điểm nổi bật trên đảo là quần thể 37 cây đa búp đỏ được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Trên đảo có Đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương. Ngôi đền rất linh thiêng đối với người dân Đồ Sơn và ngư dân Duyên hải Bắc Bộ. Đây là hiện thân của đời sống tinh thần, tâm linh và trở thành tập quán, tín ngưỡng gắn với lễ hội trên đảo.
Hải đăng đảo Dấu được người Pháp xây dựng năm 1892, hoàn thành năm 1896. Hải đăng chiếu xa tới hơn 40 km, được mệnh danh "mắt ngọc của Tổ quốc".
Ngọn Hải đăng Hòn Dấu còn là di tích lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Dấu hiện có 6 cán bộ, nhân viên. Công việc thường ngày của đơn vị là quan trắc khí tượng, hải văn, môi trường nước biển với các thông số như: nhiệt độ, độ ẩm không khí, áp suất, lượng mưa, cấp độ gió, độ mặn, mực nước biển, độ PH, độ cao sóng biển, tốc độ gió... Họ lấy mẫu kiểm tra, lưu giữ mẫu chuyển về đất liền.
Hàng ngày, cán bộ thực hiện quan trắc lấy mẫu 4 lần với các mốc thời gian theo chuẩn quốc tế (0h, 6h, 12h, 18h) và theo giờ Việt Nam (1h, 7h, 13h, 19h).
Vào mùa mưa bão, tần suất quan trắc, lấy mẫu khoảng 1h/lần.
Thiết bị đo nhiệt độ tại trạm khí tượng Hòn Dấu.
Trên đảo vẫn giữ được những nét hoang sơ, khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật xanh mướt. Câu khẩu hiệu nổi tiếng trên đảo Dấu được các du khách và người dân địa phương lan truyền khi lên đảo: "Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh - đừng để lại gì ngoài những dấu chân".
Phạm Dương, theo toquoc.vn