Bước chân vào làng Phù Lãng, du khách sẽ lập tức bắt gặp hình ảnh của những chiếc bình gốm được xếp dọc đường đi với màu sành nâu tráng men da lươn - sắc màu đặc trưng của gốm Phù Lãng.
Có tuổi đời hơn 700 năm, gốm Phù Lãng nổi tiếng với các sản phẩm như vại, ấm, nồi...
Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng nâu… mà theo những người trong nghề làm gốm gọi là men da lươn, mang đậm nét giản dị chân chất của làng quê.
Mỗi sản phẩm gốm Phù Lãng là sự kết hợp của nhiều công đoạn với nhiều sự sáng tạo khác nhau
Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép
Để đất nhuyễn mịn, người thợ phải chuốt, xéo đất tới hàng chục lần mới thành khoanh. Khi đất đủ độ mịn, người thợ sẽ cho lên bàn xoay tạo hình theo mẫu hay còn gọi là làm xương gốm. Khi xương gốm khô, người thợ có thể gõ từ bên trong để tạo nên những khung như mong muốn.
Công đoạn tiếp theo là ve, nạo sản phẩm. Điểm độc đáo của gốm Phù Lãng, người thợ ở đây vẫn sử dụng phương pháp vẽ tạo hình bằng những vật liệu đơn giản. Không có mẫu cụ thể, người thợ sẽ tùy theo sản phẩm để sáng tạo ra các đường nét hoa văn phù hợp.
Sau khi được tráng bằng thứ men tự nhiên làm từ tro và bùn đất, người thợ tiếp tục tạo cho mỗi sản phẩm những màu sắc riêng.
Ở Phù Lãng, bên cạnh phương pháp nung hiện đại, người ta vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là dùng củi để nung gốm, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen.
Với bàn tay khéo léo và đam mê, các nghệ nhân của làng gốm Phù Lãng đã và đang sáng tạo, phát triển những tinh hoa của nghề gốm, một nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Vietnam Journey