Tuyến kayak đi qua nhiều điểm nổi tiếng của Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: KDL Sinh thái Tràng An
Chèo kayak tại Di sản Tràng An
Vừa qua Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An đã chính thức đưa dịch vụ chèo thuyền kayak đi vào hoạt động. Khác với mô hình ngồi thuyền do lái đò địa phương đưa đi thăm quan, hiện nay du khách có thể tự mình chèo thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Xuất phát từ bến thuyền Tràng An, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên vô cùng ấn tượng của Tràng An, được chèo thuyền trên dòng sông uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi hùng vĩ và thăm những địa điểm nổi tiếng của khu du lịch. Tuyến thứ nhất đi qua Đền Trình, tới Cổng Tam Quan, Cửa hang Tối, Cửa hang Quy Hậu, Núi Ngọc; tuyến thứ hai đi qua bến Đảo Kong tới Thủy Đình, Hành Cung Vũ Lâm. Hai hành trình này lần lượt dài tổng cộng 8km và 5km.
Khu du lịch sinh thái Tràng An sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Ảnh: KDL Sinh thái Tràng An
Việc chèo thuyền kayak tại Tràng An không đòi hỏi du khách phải có kỹ năng chuyên nghiệp, mà chỉ cần nắm được một số kỹ năng cơ bản về chèo thuyền là có thể tham gia. Khi tham gia loại hình này, du khách sẽ được trang bị áo phao đúng tiêu chuẩn và có một đội ngũ cứu hộ với hệ thống xuồng máy luôn túc trực.
Ông Phạm Duy Phong, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết: "Khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp đã hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" với nhiều loại hình du lịch mới, trong đó phải kể đến Khu du lịch sinh thái Tràng An đã nghiên cứu đưa loại hình chèo thuyền kayak vào khai thác phục vụ khách du lịch. Đây còn là loại hình du lịch mang tính kích cầu, gia tăng dịch vụ để phục vụ và thu hút khách đến du lịch Ninh Bình, thiết thực hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2020 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm".
Sản phẩm chèo thuyền kayak phù hợp với các du khách trẻ. Ảnh: KDL Sinh thái Tràng An
Trải nghiệm "Một ngày chăm sóc gấu"
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thuộc quản lý của FOUR PAWS Viet, thành viên FOUR PAWS International - một tổ chức quốc tế về phúc lợi động vật (có trụ sở tại Áo). Tại đây, hiện đang chăm sóc và bảo vệ cho gần 40 cá thể gấu đã từng bị lấy mật hoặc là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ngoài các hoạt động chuyên môn, cơ sở cũng tổ chức đón các đoàn du khách đến tham quan, tìm hiểu, học hỏi về gấu và bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt là đối tượng khách học sinh, sinh viên.
Du khách tham gia các hoạt động tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: FOUR PAWS Việt
Theo Giám đốc FOUR PAWS Viet - bà Ngô Mai Hương, ngoài tham quan các khu vực chăm sóc gấu và môi trường bán hoang dã nơi gấu sinh sống; du khách sẽ được tìm hiểu về loài gấu, về quan hệ giữa các loài trong tự nhiên, đa dạng sinh học và hoạt động bảo vệ gấu tại Việt Nam.Những câu chuyện sâu sắc về từng cá thể gấu với hình ảnh, video trực quan giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ gấu, bảo vệ động vật và gìn giữ môi trường thiên nhiên.
Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình xây dựng môi trường sống bán hoang dã cho gấu. Ảnh: FOUR PAWS Việt
Nhiều chương trình trải nghiệm được thiết kế riêng để phù hợp với đối tượng và độ tuổi khách khác nhau, trong đó một số hoạt động được yêu thích là trải nghiệm "một ngày làm nhân viên chăm sóc gấu" với việc chuẩn bị thức ăn, chăm sóc và cọ rửa chuồng gấu…; thử thách chế biến thức ăn và dụng cụ cho gấu; trồng cây xanh tại trại gấu; chơi các trò chơi tập thể và hoạt động thủ công với đề tài đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã và phúc lợi động vật.
Trải nghiệm làm đồ làm giàu cho gấu (những đồ để giúp gấu lấy lại bản năng tự nhiên và chơi nghịch). Ảnh: FOUR PAWS Việt
Trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại Vân Long – Cúc Phương
Tại khu vực Vân Long – Cúc Phương du khách sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình như du lịch sinh thái, trekking, tìm hiểu văn hóa và ẩm thực. Các tuyến đi bộ trong rừng Cúc Phương được xây dựng với nội dung và thời gian khác nhau theo từng đối tượng khách, kết hợp với sự hướng dẫn, giới thiệu của đội ngũ hướng dẫn viên. Trong đó, tuyến cắm trại và ngủ đêm trong rừng, tuyến đi bộ dài ngày lên khu bảo tồn Ngọc Sơn, khu bảo tồn Pù Luông là những tuyến hấp dẫn được nhiều du khách quan tâm.
Trekking rừng Cúc Phương. Ảnh: CCD
Với những du khách yêu thích loại hình du lịch sinh thái cộng đồng thì một hoặc hai đêm nghỉ lại tại bản Mường sẽ mang lại những trải nghiệm đáng nhớ, đồng thời góp phần tạo thu nhập cho người dân, hỗ trợ công tác bảo tồn. Người Mường vốn thân thiện, nhiệt tình và mến khách sẽ mang đến cảm giác thoải mái và cơ hội để du khách tìm hiểu, khám phá những nét văn hoá bản địa độc đáo.
Voọc mông trắng. Ảnh: Xuân Lâm/CCD
Trải nghiệm nổi bật tại Vân Long là ngắm voọc Mông trắng. Loài linh trưởng này chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể và được tập trung bảo tồn tại: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long và Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chèo thuyền trên đầm Vân Long, du khách được ngắm nhìn những chú voọc đang chơi đùa trên vách đá cheo leo hay đang ngồi phơi nắng trên đỉnh núi... tận hưởng không khí trong lành hay đơn giản lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ về chuyến du lịch Ninh Bình với nền trời xanh và núi đá nhấp nhô.
Đi thuyền tại Vân Long. Ảnh: Xuân Lâm/CCD
Các chương trình trải nghiệm này đang được tổ chức bởi Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (viết tắt là CCD), nằm trong chuỗi sản phẩm Trải nghiệm Thiên nhiên và Văn hóa Việt tại các Khu bảo tồn, các Vườn Quốc gia và tại các cộng đồng dân tộc thiểu số. Thông tin từ phía CCD cho biết, đây một công cụ của Trung tâm liên quan đến chương trình truyền thông và giáo dục môi trường, giúp người tham gia thực sự được hòa mình với thiên nhiên và văn hóa. Việc tương tác giữa du khách và cộng đồng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, cùng gìn giữ các giá trị và hướng tới phát triển bền vững./.
Theo VOV.VN
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về thông tin tại một cơ sở kinh doanh thuộc xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư,...
Sáng 21/5, tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (thuộc Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh...
Ngày 6/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022), tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo...
Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình, Khu du lịch này sẽ bán vé trở lại phục vụ khách...
Ngày 28/01/2022, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Văn bản số 96/UBND-VP5 về việc mở cửa đón khách du lịch ngoại...
Hiện tại đánh giá mức độ dịch toàn tỉnh Ninh Bình ở mức độ 2 - màu vàng. Tổng số ổ dịch ghi nhận 37 ổ, với số...
Ngày 30/12, tại thành phố Ninh Bình, Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021 tổ chức hội nghị tổng kết và lễ bế...
Sau nhiều tháng đóng cửa, tỉnh Ninh Bình đã cho ngành du lịch đón khách trở lại. Các khu, điểm du lịch hiện...
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản số 911/UBND-VP5 gửi Sở Du lịch, Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Y tế; Công an...
Trước mắt, trong quý IV năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đón 10.000 lượt khách du lịch nội tỉnh, đồng thời tổ chức...
Cùng với đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình có nhiều hoạt động, chuẩn...
Gần 3.000 lái đò tại các khu du lịch ở Ninh Bình đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, sẵn sàng phục...