Hồ sôi ở Dominica thực sự là một lỗ phun khí ngập nước, hay một lỗ hổng trên vỏ trái đất. Hồ chứa nước màu xanh xám sủi bọt ở nhiệt độ khoảng 90 ° C. Nước được đun nóng bởi hơi nóng và khí thoát ra từ dung nham nóng chảy bên dưới. Bề mặt hồ thường được bao phủ trong đám mây hơi nước.
Hồ có chiều ngang khoảng 76 m, nó là hồ nước nóng lớn thứ hai trên thế giới sau Hồ Frying Pan ở thung lũng Waimangu gần Rotorua, New Zealand.
Hai quý ông người Anh đã nhìn thấy hồ lần đầu tiên vào năm 1875. Cuối năm đó, một nhà thực vật học của chính phủ và một trong 2 người phát hiện ban đầu được giao nhiệm vụ khám phá hiện tượng tự nhiên này. Họ đã đo nhiệt độ nước và thấy nó dao động trong khoảng 82 - 92 ° C dọc theo các góc, tuy nhiên họ không thể đo được nhiệt độ ở trung tâm nơi hồ nước đang sôi. Họ ước tính hồ sâu khoảng 60 m trở lên.
Nước trong hồ là do nước mưa và hai dòng suối nhỏ chảy vào. Sau đó nước thấm xuống dung nham và được đun nóng đến điểm sôi. Mực nước trong hồ vẫn dao động, hoạt động của hồ cũng giảm dần theo thời gian.
Hồ gần như đã biến mất sau khi một vụ phun trào giếng nước ngầm xảy ra gần đó vào năm 1880. Năm 2004 - 2005, mực nước trong hồ hạ xuống 10 m, sau đó phục hồi trong một ngày. Các nhà địa chất cho rằng do hồ nước nằm phía trên mực nước của địa phương nên hồ có thể thoát nước và đầy nước nhanh chóng.
Theo petrotimes.vn