Nhiều khách du lịch đã kéo đến hồ nước Umbul Ponggok ở huyện Klaten, trung tâm đảo Java – Indonesia chụp hình tự sướng dưới một cái ao làng.
"Du khách đăng tải hình ảnh của họ đang ngồi trên xe máy hay xe đạp và thậm chí là chụp ảnh cưới, những bức ảnh trở nên thịnh hành trên các tài khoản Instagram" – anh Muhammad Abdul Rahman, quản lý hồ Umbul Ponggok nói.
Hồ nước Umbul Ponggok có chiều ngang 20 m, rộng 50 m và sâu 2,5 m, gọi một cách chính xác là ao làng. Dòng nước đổ vào đây kéo dài từ 40 dòng chảy ngầm với tỉ lệ 800 lít/giây, giúp giữ cho nước tinh khiết và trong sạch.
Nơi đây từng là một ao làng ô nhiễm và đầy rong rêu
Ao làng này cũng có tài khoản Instagram riêng với hơn 38.000 người theo dõi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đăng tải một bức ảnh lên tài khoản Instagram cho thấy một người đàn ông đang lái xe máy dưới nước ở đây hồi tháng 11/2018.
Mọi người kéo đến hồ Umbul Ponggok để chụp ảnh với những dáng hài hước
Hồ nước Umbul Ponggok ngày nay đã không còn là ao làng ô nhiễm, rong rêu như 15 năm trước khi dân làng còn sử dụng để tắm và giặt đồ. Làng Ponggok từng nghèo khó và hầu hết người dân không được giáo dục. Họ trồng trọt và làm việc trong mỏ đá. Tỉ lệ thất nghiệp cao.
Cho đến khi trưởng làng Junaedi Mulyono có ý tưởng biến hồ Umbul Ponggok thành một địa điểm du lịch ngay sau khi trúng cử vào năm 2006.
Ông bắt đầu mời một số sinh viên từ trường Đại học Gadjah Mada ở TP Yogyakarta đến tạo ra một cơ sở dữ liệu gồm những vấn đề, nguồn lực tiềm năng và biện pháp khả thi cho làng Ponggok.
Dựa trên thông tin thu thập được, ông Mulyono đưa ra mô hình kinh doanh do làng làm chủ. Nhiều dân làng ban đầu do dự nhưng ông Mulyono đã mời họ đầu tư và hưởng lợi từ lợi nhuận có được. Năm 2011, ngôi làng bắt đầu cải thiện và trở thành địa điểm du lịch.
Có thể lặn tại hồ nước đã được dân làng dọn sạch và thả cá
Trang bị ống trượt nước cho trẻ em
Có 430 trong 700 gia đình ở làng Ponggok trở thành nhà đầu tư. Mỗi gia đình bỏ ra khoảng 5 triệu rupiah (hơn 8 triệu đồng). Đổi lại, họ nhận một phần lợi nhuận khoảng 400.000 đến 500.000 rupiah (650.000 đến 800.000 đồng) mỗi tháng trong 10 năm qua.
Ông Mulyono cho biết sự thành công của ao làng đã giúp xóa bỏ tình trạng thất nghiệp. Với hơn 20 quầy hàng bán quần áo, nước uống và quà lưu niệm của dân làng xug quanh hồ Umbul Ponggok, số lượng người dân bỏ làng lên thành phố tìm việc đã giảm xuống.
Dân làng dựng quầy bán thức ăn cho khách du lịch
Khách du lịch chụp ảnh tại hồ Umbul Ponggok
Chủ sạp quần áo và thức ăn Sisminarti cho biết cô có thể kiếm 1 triệu rupiah (hơn 1,5 triệu đồng) vào cuối tuần. Cô nói: "Tôi từng là nội trợ nhưng chồng tôi bị bệnh và phải nghỉ ngơi nên tôi trở thành trụ cột gia đình. Tôi biết ơn vì có nguồn thu nhập để đáp ứng nhu cầu của tôi và gia đình".
Những khu chợ nhỏ, nhà nghỉ và khách sạn được xây dựng. Dù người dân địa phương khá cẩn thận để gìn giữ cảnh vật tự nhiên nhưng nó đã mang hơi hướm hiện đại khi so với những ngôi làng nông thôn khác.
Theo Người Lao động
Ảnh: James Wendlinger