Đập thủy điện Sekaman1 - Attapeu
Con đường từ Paksong về Attapeu khá phẳng phiu, len lỏi giữa điệp trùng núi rừng Sepian. Từ thị trấn Paksong mờ sương, xuôi quốc lộ 18 hơn hai tiếng rưỡi là đến Attapeu, nhưng chúng tôi không cho xe vào thị xã mà chạy thẳng về hướng Thủy điện Sekaman 1 ở huyện Sanxai. Đường tốt, ô tô cứ lao vun vút qua những cánh rừng già.
Đang mùa dịch Covid-19, đường về cửa khẩu vắng vẻ, hai chiếc ô tô cứ lầm lũi chạy giữa sương mù. Không có 3G, sóng điện thoại cũng không, may nhờ một tài xế xe tải biển số Đà Nẵng dừng lại bên đường, chúng tôi mới biết mình đã đi quá lối rẽ vào nhà máy hơn 30 km. Thế là phải quay xe trở lại.
Attapeu – mảnh đất lành cho các nhà đầu tư Việt
Giám đốc Phạm Hoàng Việt đưa chúng tôi đi thăm Nhà máy thủy điện Sekaman 1 gồm 2 tổ máy có tổng công suất 290 MW và Thủy điện bậc thấp Xekaman Sanxai cách đó chừng 5 km về phía hạ lưu, tận dụng nguồn nước của Sekaman 1 để phát điện 2 tổ máy,công suất 32 MW.
Đây là dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư theo hình thức BOT, sau 25 năm khai thác sẽ được bàn giao cho Chính phủ Lào. Sau 5 năm đi vào hoạt động, hai nhà máy đã suất xuất hơn 4,5 tỉ KWh điện, hầu hết là bán về Việt Nam với doanh thu hơn 240 triệu USD, lợi nhuận ăn chia và nộp các loại thuế, phí cho phía Lào hơn 50 triệu USD.
Giám đốc Việt chia sẻ: “Ngoài phát điện, công trình còn làm nhiệm vụ cắt lũ trong mùa mưa, điều tiết nước phục vụ chống hạn cho địa phương trong mùa nắng. Việc xây dựng các khu tái định cư cho người dân khu vực lòng hồ thủy điện đã được doanh nghiệp thực hiện bài bản, không chỉ cấp nhà ở, xây dựng trường học, trạm y tế, người dân còn được cấp đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, ổn định cuộc sống."
Thủy điện là một trong nhiều tiềm năng lớn cho phát triển của Attapeu khi hầu hết diện tích của tỉnh này là rừng núi, với 2 Khu bảo tồn quốc gia Don Huasao và Dong Ampham. Những con sông lớn của tỉnh là Sekong, Sekaman và Sesou là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển các nhà máy thủy điện.
Ngoài cụm nhà máy Sekaman 1- Sekaman Sanxay(322 MW), thủy điện Sepian Senamnoy (410MW), tỉnh đang khảo sát một số dự án thủy điện nhỏ hơn như Sekong hạ( 80MW), Xakhet(30MW)... Bên cạnh đó còn có 6 dự án điện mặt trời tổng công suất 4000 MW. Tuy nhiên, tiềm năng lớn nhất vẫn là sản xuất nông nghiệp, khi tỉnh có vùng đồng bằng rộng đến 71.000 ha.
Với dân số chưa tới 14 vạn, 80% lại sống ở nông thôn, miền núi với mật độ thưa thớt chừng 20-25 người/km2, thì việc biến những rừng thưa mênh mông kia thành trang trại sản xuất, quả là điều không tưởng. Vậy nên, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là giải pháp được ưu tiên hàng đầu của Attapeu.
Trang trại chuối của Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai - Attapeu
Từ nhiều năm nay, hễ nói đến vùng đất phía Nam Lào này là người ta nghĩ ngay đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với hàng chục nghìn héc ta cao su, mía, chuối, thanh long, mít, chanh dây, xoài, bưởi... Hoàng Anh Gia Lai được xem là điển hình của việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp của Lào. Sau cơ cấu, lĩnh vực mía đường đã được Tập đoàn Thành Thành Công tiếp quản. Hoàng Anh Gia Lai đang tích cực chuyển đổi một số diện tích cao su, cọ dầu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Sản phẩm đã xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... với chừng 20 container mỗi ngày, mang lại cho tập đoàn cả tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Thành Thành Công cũng không kém cạnh khi mới đây đã thuê thêm 3000 héc ta đất, mở rộng vùng nguyên liệu lên 10.000 héc ta để sản xuất đường ogranic, quyết tâm cạnh tranh với đường Thái Lan. Sự có mặt của những ông lớn này đã khai thác hết tiềm năng lợi thế đất đai, phục vụ phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh này đã cho rằng, cái được lớn nhất mà các nhà đầu tư Việt Nam mang lại cho Attapeu không chỉ là số tiền nộp vào ngân sách, tạo được bao nhiêu việc làm cho dân, mà quan trọng hơn là đã làm thay đổi mạnh mẽ tư duy của người Lào về sản xuất, lao động.
Rừng xanh núi thẳm gọi mời
Nằm trên cao nguyên Boloven, được thiên nhiên ưu đãi với hàng trăm nghìn hec ta rừng tự nhiên cùng hệ sinh thái đa dạng, các Khu bảo tồn quốc gia Dong Ampha, Dong Huasao ôm trong lòng nhiều sông suối với dòng nước trong mát quanh năm, không chỉ là nguồn sinh thủy vô tận mang lại sự sống cho đất, cho rừng; không chỉ là nguồn nước để các nhà máy thủy điện mang về mỗi năm hàng chục, hàng trăm triệu đô la cho đất nước, mà đó còn là tiềm năng rất lớn để làm du lịch. Những vết đứt gãy từ hàng triệu năm của vỏ trái đất đã tạo cho Attapeu nhiều con thác kỳ vĩ, những con thác như nghiêng trời đổ nước từ trên cao xuống dưới thung sâu.
Có thể kể đến như thác Sepha trong Khu bảo tồn quốc gia Dong Huasao tại huyện Sanamxay (nơi từng xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xepian – Xenamnoy hồi tháng 7/2018), cách trung tâm Attapeu khoảng 60 km về phía Tây Nam theo tỉnh lộ 18. Thác rộng 120m, cao 23m, trên dòng sông Vangngao, một nhánh của dòng sông Xepian. Những ngày nắng đẹp, dòng nước từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa cả một vùng mây núi mênh mông.
Thác Sepha
Xuôi dòng Xepian khoảng 8km về hạ lưu, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Sepong Play và cũng không khó để có được những tấm ảnh kỷ niệm ấn tượng khi cầu vồng xuất hiện nhờ những tia nắng cuối ngày xuyên qua dòng thác tạo nên một khung cảnh huyền ảo, lung linh. Attapeu còn nhiều lắm những thác nước đẹp như Samongphak nằm giữa sông Samong và sông Xepaine, thác Phok và thác Phaphong trên sông Sesou...
Thác Sepong Play
Du khách cũng có thể ghé thăm thác Tad Feak, nằm ngay vùng giáp ranh giữa tỉnh Attapeu với tỉnh Xekong của Lào. Đây cũng là con thác khá nổi tiếng ở vùng Nam Lào khi dòng thác tung bọt trắng xóa vào không trung, khiến nhiều du khách đến đây không khỏi trầm trồ khen ngợi.
Đi du lịch Attapeu Lào, du khách chắc chắn sẽ thích thú với hành trình khám phá hai Khu bảo tồn quốc gia. Đặc biệt là Khu bảo tồn đa dạng sinh học Dong Ampham, giáp với tỉnh Sekong về phía bắc. Đây là một trong những vùng đất trũng và rừng nhiệt đới còn sót lại của khu vực Đông Nam Á với nhiều loài động thực vật quý hiếm sinh sống trong điều kiện đặc biệt như hổ, báo gấm, đại bàng săn bắt cá, kềnh kềnh đầu đỏ, kềnh kềnh đuôi trắng...
Ngược dòng Sekaman trong Khu bảo tồn Dong Ampham, du khách sẽ gặp hồ địa chất Nỏng Phạ, còn được gọi là hồ Thiên đường hay là hồ nước Trời được hình thành từ miệng núi lửa từ hàng triệu năm trước. Giữa bạt ngàn núi rừng, mặt hồ trong xanh không một gợn sóng trông như một chiếc gương khổng lồ mà các tiên nữ mê mải vui chơi để quên lại chốn trần gian.
Nằm sâu trong rừng, chưa bị tác động nhiều bởi con người, hồ Nỏng Phạ là điểm tham quan khá hấp dẫn với những ai thích khám phá thiên nhiên. Từ trung tâm tỉnh lị Attapeu, đi ô tô theo đường18 về cửa khẩu Phoukua - Bờ Y đến Km 52, rẽ trái theo biển chỉ dẫn là du khách có thể tham quan hồ Nỏng phạ, viên ngọc bích giữa núi rừng Nam Lào.
Hồ Nỏng Phạ
Nhưng Attapeu không chỉ có núi rừng, suối sông, thác nước. Attapeu còn có những ngôi chùa rất đẹp và linh thiêng. Mảnh đất này từng ghi dấu chiến công cùng sự hy sinh oanh liệt của Vua Setthathirat, vị Vua anh hùng của Lào, người đã quyết định dời đô từ Luang Prabang về Vientiane, có công chấn hưng đạo Phật, xây dựng Wat Xiengthong và trùng tu Thạt Luổng vào thế kỷ 16. Người Lào đã dựng tượng ông trước Thạt Luổng để ghi ơn vị Vua anh minh này.
Tên ông đã được đặt tên cho mương Saysettha, một huyện cách trung tâm tỉnh Attapeu chừng 15 km. Nơi ông hy sinh, người dân đã xây dựng một ngôi chùa đặt tên là Wat Pha Saysettha. Ngoài thờ Phật, trong chùa còn thờ Vua. Tượng Vua Setthathirat cưỡi voi được xây dựng trong vườn chùa là một công trình nghệ thuật giá trị.
Tượng Vua Saysetthathirat
Wat Saysettha là ngôi chùa rất đáng để khách du lịch tham quan chiêm bái mỗi dịp đến với Attapeu, bên cạnh Wat Sakae – một ngôi chùa theo kiến trúc Khmer cổ, nơi có pho tượng Phật Buddha linh thiêng, được nhiều khách thập phương ghé thăm, cầu nguyện vào dịp Tết té nước (Boun Pimay) hàng năm. Mới đây, tượng Vua Sethathirat đúc bằng đồng nguyên khối đã được rước trang trọng từ thủ đô về Attapeu và đặt trong khôn viên một ngôi chùa mới ở trung tâm tỉnh để người dân được bày tỏ lòng tri ân với ông.
Chùa Wat Saysettha
Lầu trống Wat Sakhe
Dù Attapeu đã có sân bay nhưng không hoạt động thường xuyên do nguồn khách không ổn định. Muốn đến Attapeu, du khách có thể bay nối chuyến từ Vientian đến Champasak, rồi từ đó đi ô tô đến Attapeu. Nhưng phổ biến vẫn là đi bằng đường bộ từ Kon Tum qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, hoặc theo Quốc lộ 13 từ Savanakhet vào. Dù gì thì nếu có dịp, đã là những tín đồ thích xê dịch, đừng bỏ lỡ cơ hội để được ít nhất một lần trong đời khám phá thiên nhiên kỳ thú nơi đây./.
Vân Thiêng, Đặng Thùy/VOV Vientiane