Đến thủ đô Bogota của Colombia, đừng quên ghé thăm bảo tàng Vàng ròng. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 33.000 món đồ tạo tác làm bằng vàng nguyên chất. Đây là bảo tàng có bộ sưu tập đồ tạo tác bằng vàng lớn nhất trên thế giới thuộc về thời kỳ trước khi nhà thám hiểm Cristopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ.
Theo ông Eduardo Londo, nhà nhân chủng học của bảo tàng Vàng Bogota, thời kỳ mà người châu Âu tìm ra châu Mỹ, những người thổ dân ở châu lục mới phát hiện này dùng rất nhiều vàng nguyên chất để trang hoàng và phục sức. Các hiện vật có mặt trong triển lãm cho thấy sự phong phú của các tộc người thổ dân xưa.
Mỗi tộc người lại có một cách sử dụng vàng riêng. Nổi tiếng nhất là tộc người Muisca, một trong 4 nền văn minh cổ tiên tiến nhất ở châu Mỹ. Ông Londo cho biết, người Tây Ban Nha đã được chứng kiến một buổi lễ mà tộc trưởng của một tộc người Muisca không mang bất cứ đồ che thân nào ngoài các trang sức bằng vàng.
Trong số các hiện vật đặc biệt đáng chú ý là một chiếc bè bằng vàng, có niên đại từ năm 1200-1500, gắn liền với truyền thuyết về El Dorado, tức xứ vàng, lan truyền ở Tây Ban Nha thời kỳ chinh phục châu Mỹ đầu thế kỷ 16.
Sự phổ biến của vàng ở Nam Mỹ khiến người Tây Ban Nha tin rằng, đây là xứ sở của vàng và có tồn tại một thành phố vàng. Đã rất nhiều người bỏ mạng trong hành trình tìm kiếm thành phố đó.
Có lẽ vàng cũng là nguyên nhân khiến nền văn minh Muisca nhanh chóng bị diệt vong. Khi người Tây Ban Nha tới chinh phục xứ sở này, ước tính người Muisca có khoảng từ 500.000 tới 1 triệu người. Người Tây Ban Nha chỉ mất 3 năm, từ năm 1537 tới 1540 là chiếm xong toàn bộ vùng lãnh thổ rộng lớn.
Bảo tàng Vàng ở Bogota thu hút khoảng nửa triệu khách du lịch mỗi năm. Mỗi ngày có khoảng 250 học sinh, sinh viên đến để tham quan tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của đất nước.
Lương Anh